Dệt thổ cẩm huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định
Đối với đồng bào Bana, nghề dệt thổ cẩm là một nét văn hóa độc đáo có từ rất lâu đời. Nghề dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền và là thứ không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.
Thổ cẩm của người Bana Kriêm Vĩnh Thạnh dùng nhiều họa tiết hoa văn hình học với các đường thẳng, đường cong, hình tam giác. Hoạt tiết thường là những nét hoa văn li ti chồng lên nhau tạo thành một dải phức hợp quanh một mẫu trang trí chính là ngôi sao tám cánh dệt trên nền trắng. Người Bana chọn màu đen là màu chủ đạo trong trang phục thổ cẩm kết hợp với màu đỏ, trắng và điểm một ít màu vàng, xanh non tạo nên ấn tượng mạnh mẽ nhờ sự tương phản. Thời gian dệt phải mất từ 10 đến 20 ngày, đôi khi phải mất cả tháng trời.
Có thể nói rằng, thổ cẩm của người Bana chính là sự kết tinh văn hóa trong môi trường tự nhiên, xã hội riêng biệt nó mang nét đẹp hồn nhiên, thanh khiết như đất, như núi rừng. Thổ cẩm đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống cư dân các cộng đồng miền núi và là một phần trong đời sống văn hóa của họ. Nếu như tiếng cồng chiêng là đặc trưng của đêm hội vùng cao, thì những bộ trang phục truyền thống tạo nên cái hồn cho những điệu xoan của các cô gái Bana bước vào ngày hội. Những chiếc áo, những chiếc khăn thêu hay những bộ trang phục được tạo nên từ bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ Bana ở các buông làng vùng cao Vĩnh Thạnh không chỉ làm cho những đêm hội vùng cao thêm lung linh sắc màu mà ở đó còn lưu giữ những giá trị truyền thống chứa đựng cái hồn và bản sắc chỉ có ở người Bana.