Vĩnh Thạnh – Vùng đất giàu tiềm năng
Huyện Vĩnh Thạnh nằm phía tây bắc tỉnh Bình Định, tây và tây bắc giáp các huyện An Khê và K’ Bang (Gia Lai), Konplong (Kon Tum) và huyện An Lão; đông và đông bắc nối liền các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát. Phía nam sát cánh cùng huyện Tây Sơn và Vân Canh.
Vĩnh Thạnh vốn là những làng của người dân tộc Ba-na. Khoảng đầu thế kỷ XVIII, người Kinh lên vùng đất này lập nghiệp dựng xóm ấp cho đến cuối năm 1945, những làng vùng này thuộc Tổng Vĩnh Thạnh của huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) và Tổng Kim Sơn của huyện Hoài Ân.
Tháng 4 năm 1947 tỉnh Bình Định lập 4 huyện miền núi: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Kim Sơn và An Lão. Tên huyện Vĩnh Thạnh bắt đầu từ đó.
Khoảng cuối năm 1952, theo chủ trương của Khu, huyện Vĩnh Thạnh nhập vào tỉnh Gia-Kon, đến tháng 7-1954 trở về thuộc tỉnh Bình Định. Cho đến năm 1954 toàn huyện Vĩnh Thạnh gồm 50 làng thuộc 11 xã: Vĩnh An, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo, Vĩnh Kim, Vĩnh Châu, Vĩnh Trường, Vĩnh Bình, Vĩnh Nghĩa, Vĩnh Hưng và Vĩnh Thuận.
Cuối năm 1955 nhập 5 làng (Nước Cạn, Đập Mới, Trà Hương, Kon Roi, Kon Sư) thuộc xã Hoành Sơn của huyện Phù Cát.
Năm 1961, nhằm động viên nhân dân bước vào cuộc chiến đấu mới chống giặc Mỹ xâm lược và để giữ bí mật, lãnh đạo tỉnh đã lấy tên sông núi, tên người có công đặt tên cho xã (như núi Yang Điêng thay cho tên gọi xã Vĩnh Hiệp, suối Lơ Pinh là xã Vĩnh Trường, Bok Toih là xã Vĩnh Bình …) và các chữ cái kèm con số đặt tên cho một số làng vì vậy mới có các tên mật danh: M6 (làng Lơ Ye), K11 (Kon Kriêng), N3 (Đe Klăng), O5 (Kon Trinh) …
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975) do đòi hỏi của các công tác chống địch và sản xuất, việc tách, nhập làng ở Vĩnh Thạnh luôn luôn xảy ra (cuối năm 1955 toàn huyện có 60 làng, đến năm 1971 còn 40 làng, đến năm 1974 là 45 làng).
Năm 1976, hai huyện Vĩnh Thạnh và Bình Khê hợp thành huyện Tây Sơn.
Năm 1982 lập lại huyện Vĩnh Thạnh gồm 6 xã trong đó có 5 xã miền núi (Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hòa) và xã trung du Bình Quang.
Năm 1986 tỉnh điều chỉnh địa giới 3 xã Bình Quang, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo thành 4 xã: Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hảo, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Quang.
Hiện nay toàn huyện có 57 thôn nằm trong 9 xã, thị trấn là Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hảo,Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Quang, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thuận và thị trấn Vĩnh Thạnh.
Địa thế tự nhiên: Địa thế Vĩnh Thạnh rất hiểm yếu. Hai bên bờ sông Côn là các dãy núi chập chùng với những đỉnh khá cao như núi Bok Bang ở Vĩnh Kim (975m) Kon Truch tại Vĩnh Sơn (1.019m). Đây cũng là thượng nguồn của 3 con sông lớn của tỉnh Bình Định: Sông Kim Sơn (một nhánh của sông Lại), sông La Tinh và sông Côn.
Sông Côn dài hơn 171 km bắt nguồn từ các dãy núi cao vùng K’Bang, An Lão (trung tâm mưa lớn nhất tỉnh Bình Định). Sông Côn chảy xuyên suốt từ bắc đến nam huyện Vĩnh Thạnh, đưa nước tưới về những cánh đồng các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước và đổ ra đầm Thị Nại. Đây là tuyến đường sông khá thuận lợi nối vùng cao giàu lâm thổ sản của huyện Vĩnh Thạnh với các huyện đồng bằng phía nam tỉnh.
Vĩnh Thạnh có tỉnh lộ ĐT 637 dài 57 km chạy từ đông nam đến tây bắc huyện – đó là đường từ Vĩnh Sơn xuống lượn theo dòng sông Côn nối với Quốc lộ 19 tại Vườn Xoài (Cầu 16). Tuyến đường này tạo điều kiện thuận lợi cho quần cư và phát triển sản xuất.
Dân cư: Những năm 1945-1990 Vĩnh Thạnh có những thay đổi về địa giới, hành chính và các biến động về dân số. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dân số Vĩnh Thạnh dường như không tăng, khoảng từ 4.300 – 4.600 người. Nhưng từ năm 1980 trở đi thì liên tục tăng:
1982 là 15.300 người
1988 là 20.600 người
1991 là 23.000 người
Và đến năm 2017 là 33545 người (9321hộ). Vĩnh Thạnh là địa bàn hội tụ 12 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Kinh với 71.88% người, dân tộc thiểu số 28,12% dân số toàn huyện.
Truyền thống: Vĩnh Thạnh vốn thuộc Tây Sơn thượng đạo, căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra cuối thế kỷ thứ 18 của 3 anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Đây cũng là căn cứ của cuộc khởi nghĩa Mai Xuân Thưởng (1885-1887). Trong kháng chiến chống Pháp, Vĩnh Thạnh vừa là tiền tuyến của quân dân tỉnh Bình Định, vừa là hậu phương tại chỗ của quân dân vùng địch hậu đông nam tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây đã nổ ra cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (ngày 6-02-1959) – cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên của phong trào Đồng khởi của quân khu 5. Đây là căn cứ địa của tỉnh Bình Định suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng (1954 – 1975). Nơi đây đã diễn ra những trận đọ sức quyết liệt của quân dân Bình Định với một số đơn vị thiện chiến của đội quân viễn chinh xâm lược Mỹ và chư hầu.
Vĩnh Thạnh luôn luôn là địa bàn chiến lược, vùng có tầm quan trọng cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng đối với tỉnh Bình Định thời bình phát triển kinh tế cũng như thời chiến bảo vệ đất nước. Hơn nữa đây là vùng bản lề, cửa ngõ nối đồng bằng cửa biển và thành thị tỉnh Bình Định với Tây Nguyên, đông bắc Campuchia, Hạ Lào – địa bàn chiến lược quan trọng của Đông Dương.
Trong suốt chiều dài của lịch sử chống giặc cứu nước hào hùng của dân tộc, nhân dân các dân tộc Vĩnh Thạnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết Kinh Thượng đấu tranh bất khuất, anh dũng kiên cường và thủy chung son sắt. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân Vĩnh Thạnh đã đoàn kết một lòng, hy sinh xương máu và dâng hiến nhân tài vật lực cùng cả nước đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tiềm năng đa dạng:
Vĩnh Thạnh có quĩ đất tự nhiên khá rộng, đứng thứ 2 (sau Vân Canh) trong 11 huyện, thành phố của tỉnh Bình Định (782,49/6.075,4 km2) chiếm 39% diện tích 3 huyện miền núi của tỉnh và 13% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Vĩnh Thạnh là một vùng tiềm năng kinh tế đa dạng của tỉnh.
Trước hết, chất đất Vĩnh Thạnh khá phong phú có 14 loại. Nhờ các loại đất tốt nên Vĩnh Thạnh thích hợp trồng các loại cây công nghiệp lâu năm (cà phê, ca cao, chè, cao su), các loại cây ăn quả và các loại mía, mì, thuốc lá, đậu phụng cho năng suất cao và giữ vị trí quan trọng đối với cả tỉnh.
Sông Côn dài hơn 171 km chảy xuyên suốt từ bắc đến nam huyện có các chi lưu bắt nguồn từ những dãy núi cao dốc đứng, tạo thành nhiều thác ghềnh và thung lũng thuận lợi xây dựng các hồ chứa nước, tiềm năng thủy lợi dồi dào của tỉnh. Năm 1987 tỉnh đã xây dựng nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn công suất 66.000KWh (đã hòa lưới điện quốc gia). Ngày 22.9.2012 công trình Hồ thuỷ lợi Định Bình lớn nhất tỉnh đã được khánh thành và đưa vào sử dụng mở ra triển vọng phát triển nông nghiệp, thuỷ sản và du lịch.
Lâm nghiệp Vĩnh Thạnh trù phú bậc nhất của Bình Định. Không những diện tích đất lâm nghiệp đứng đầu toàn tỉnh mà đất có cây cũng khá lớn: chiếm 60% quĩ đất lâm nghiệp của địa phương. Rừng Vĩnh Thạnh có nhiều loại gỗ quí: lim, trắc, cẩm lai, hương, cà te, mun, dổi, muồng đen, sao, chò… Cẩm lai rừng Vĩnh Thạnh đã từng góp mặt gửi ra xây lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Hà Nội. Ngoài gỗ, rừng Vĩnh Thạnh có nhiều loại thú hoang dã quí hiếm: hổ, voi, gấu, gà lôi, công, kỳ đà, trăn, rùa vàng… và những lâm thổ sản, dược liệu có giá trị kinh tế cao: trầm hương, sa nhân, hoàng đằng, mật ong…
Dưới lòng đất Vĩnh Thạnh, tuy mới thăm dò bước đầu song đã phát hiện những loại khoáng sản có giá trị: vàng, bô xít, mi ca, cao lanh, nước khoáng, đá granit… Các điểm quặng này từng thu hút một số nhà tư bản khai khoáng Pháp, Mỹ từ những năm 1902, 1904…
Trong tương lai không xa, Vĩnh Thạnh sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn: khu rừng già với khí hậu trong lành cùng các gộp đá và thác nước kỳ thú ở Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hiệp… cũng như di tích thành đá Tà Cơn, Vườn cam Nguyễn Huệ, Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn, Hồ Định Bình lôi cuốn khách du lịch trong và ngoài nước. BBĐ